Việt Nam hiện có trên 40.000 di tích các loại được kiểm kê. UNESCO đã ghi danh 8 di sản Văn hóa và Thiên nhiên, 13 di sản Văn hóa phi vật thể, đó là những tài sản không chỉ của Việt Nam mà còn là của nhân loại. Bên cạnh đó là gần 200 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có hơn 200 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, và đặc biệt không thể không kể đến sự đa dạng, phong phú của trên dưới 8.000 lễ hội. Việc giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa đang là một thách thức, không chỉ riêng với Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia. Chính vì thế, số hóa di sản là một giải pháp cách mạng trong ngành nói chung và di tích, cổ vật nói riêng, thích ứng với xu thế công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, khi triển khai cụ thể, số hóa di sản đã và sẽ gặp không ít khó khăn nảy sinh.
Khó khăn đầu tiên đó là máy móc và nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng việc triển khai nhiều hoạt động chuyên môn ứng dụng đến công nghệ số. Vấn đề tiếp theo là tài chính. Trên thực tế, khó có thể tính toán hết chi phí cho các dự án số hóa di sản văn hóa và việc duy trì chúng. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ thông tin đi nhanh hơn rất nhiều so với quá trình số hóa di sản văn hóa. Như vậy, liệu những ứng dụng số trong việc số hóa hiện nay có bị lãng quên trong tương lai? Liệu những cơ sở dữ liệu hiện tại có thể dễ dàng chuyển đổi định dạng cho những công nghệ tiên tiến trong tương lai?
Vấn đề cuối cùng là việc mất tính chính xác trong quá trình số hóa di sản văn hóa. Phần nào của di sản văn hóa cần được số hóa: Vẻ đẹp kiến trúc truyền thống hay kỹ năng xây dựng những kiến trúc này? Câu trả lời tuy không khó nhưng không phải lúc nào công nghệ cũng đáp ứng đầy đủ những mong muốn của chúng ta.
Công việc số hóa di sản ở Việt Nam bắt đầu manh nha khoảng từ năm 2004 khi một nhóm kiến trúc sư trẻ tiến hành dự án phục dựng hình ảnh phố cổ Hà Nội bằng 3D. Sau đó là quá trình số hóa không gian Hoàng thành Thăng Long và nhiều di sản khác của Hà Nội cùng những họa tiết, hoa văn, chi tiết kiến trúc, mỹ thuật trong các công trình của Hoàng thành… Tuy nhiên, không phải bất cứ di tích nào cũng có thể tiến hành số hóa, như trường hợp điện Kính Thiên, những hình ảnh, tư liệu về di tích gần như không còn nên mọi thông tin về di tích đều mang tính phỏng đoán chứ không phải số liệu thực tế.
Số hóa nói chung và số hóa di sản văn hóa đã thực sự phát triển và ngày càng có những đóng góp tích cực vào trong quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, quá trình này còn cần phải được định hướng nghiên cứu lâu dài, cần có những chương trình đào tạo, giải pháp thực hiện cụ thể trong Chiến lược phát triển văn hóa hơn nữa.
Nguồn tin: svhtt.thuathienhue.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
TUẦN LỄ FESTIVAL HUẾ 2022