Văn Xá là một làng cổ của xứ Thuận Hóa, đồng thời đây còn là quê ngoại của vua Minh Mạng, do đó các công trình kiến trúc làng xã mà tiêu biểu là ngôi đình, ngôi nhà chung lớn nhất của làng mang nặng dấu ấn kiến trúc - văn hóa của triều Nguyễn.
Đình Văn Xá được xây dựng vào năm Ất Sửu (1865) dưới thời Tự Đức, là một trong số ít những ngôi đình có quy mô bề thế. Và giá trị kiến trúc tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế.
Bức hoành phi do vua Minh Mạng ban tặng
Đình Văn Xá được xây dựng trong khuôn viên rộng khoảng 1.700m2 có la thành bao quanh bốn phía. Mặt tiền trổ cổng tam quan, hai bên tả hữu có hai cửa đơn ra vào khiến cho đình mang dáng dấp như một phủ đệ của các ông hoàng bà chúa triều Nguyễn. Đối diện với cổng tam quan qua đường làng có hồ bán nguyệt, trồng sen làm tăng thêm sự thanh cao, tôn nghiêm của nơi thờ cúng thần linh trong làng.
Từ ngoài đi vào đình Văn Xá gồm có cổng tam quan, bình phong, nhà bia, sân đình và đình.
Cổng tam quan của đình Văn Xá khác với cổng tam quan của các ngôi đình làng truyền thống của các làng xã khác, dưới cổng tam quan mở ba lối đi vào hình vòm cuốn, tầng mái đúc giả ngói âm dương. Chính giữa cổng trang trí hình con dơi ngậm vòng càn khôn dơi tượng trưng cho ngũ phúc.. Đây là nét trang trí đặc trưng của kiến trúc triều Nguyễn.
Tiếp đến là bức bình phong xây kiểu tổ ong, chính giữa có dựng nhà bia. Tấm bia đá khắc nội dung xây dựng và trùng tu đình do Vũ Phạm Khải - một vị quan triều vua Tự Đức biên soạn.
Đình Văn Xá là một ngôi nhà rường truyền thống ba gian hai chái kép trên nền đất rộng 400m2, gồm 54 cột trong đó có 8 cột hàng nhất (cột cái) cao 5,2m, 16 cột hàng nhì (cột quân) cao 3,6m, 24 cột hàng ba (cột bên) cao 2,5m và 6 cột hàng tư (cột hiên) cao 1,5m. Các cột hàng hiên đỡ một đoạn cò điếu để kéo dài mái trước ra một đoạn nền 1,6m. Chính kiến trúc của đình như vậy nên ở ngoài nhìn vào thấy đình thấp nhỏ nhưng vào trong mới thấy sự hoành tráng của đình. Hai bên tả hữu ở mặt trước đình có đắp nổi hình long mã, tầng cấp của đình được xây dựng bằng đá thanh, đình không có hệ thống cửa do đó rất thoáng rộng. Các hệ thống vĩ kèo được chạm trổ tinh vi, hình tượng chủ yếu là rồng và cá chép vượt sóng hóa rồng. Mái lợp ngói liệt, bờ nóc được đắp cao trông giống một con thuyền được chia ra làm 13 ô trang trí từng hộc, mai điểu, chính giữa chạm ba chữ “Vạn hồi văn”. Chính giữa bờ nóc trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt” bờ giải với hình tượng tứ linh.
Đình Văn Xá thờ vọng thành hoàng là năm vị tiền hiền khai canh của các dòng họ Lê, họ Trần và họ Cao, cùng hai vị nhân thần có công đức với làng, xã là Bố chính dinh ký lục Trần Mậu Quế (1688-1762) và Hữu tham tri bộ lễ Trần Hưng Đạt (1746-1810) *
Nếu như đình Phú Xuân (phường Tây Lộc, Huế) là một kiến trúc dân gian nằm giữa hệ thống kiến trúc cung đình Huế, đánh dấu về sự ra đời của kinh thành Huế thì đình Văn Xá cùng với hệ thống chùa làng (chùa Từ Quang), miếu thành hoàng, các nhà thờ họ đặc trưng cho kiến trúc truyền thống của cư dân trồng lúa nước vùng đồng bằng Trung bộ. Đặc biệt kiến trúc của đình Văn Xá được đánh giá như là một gạch nối giữa kiến trúc dân gian và kiến trúc cung đình, đặc trưng cho nét kiến trúc triều Nguyễn nửa cuối thế kỷ 19. Trải qua trên 130 năm qua ba lần trùng tu lớn vào các năm 1961, 1995 và 2013 đình Văn Xá đến nay hầu như vẫn còn giữ được những nét kiến trúc thuở ban đầu.
Thanh Hồng