Thành phố trực thuộc trung ương
Cuộc thi

Hương Trà: Tiềm năng Du lịch chờ "Đánh thức"

Chủ nhật - 08/04/2018 00:41
Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên, Hương Trà còn sở hữu khá nhiều di tích, danh thắng và được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa và sinh thái. Đây là những lợi thế để ngành “công nghiệp không khói” của thị xã “cất cánh” .
 Khe Lạnh - điểm du lịch sinh thái tiềm năng
 Khe Lạnh - điểm du lịch sinh thái tiềm năng

Giàu tài nguyên

Với đặc trưng vừa tiếp giáp biển, vừa có nhiều đồi núi, Hương Trà là nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc, danh lam, thắng cảnh, di tích lích sử - văn hóa, như

lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén, núi Kim Phụng (Hương Thọ), chùa Thiên Mụ, Văn miếu triều Nguyễn (Hương Hồ), phố cổ Bao Vinh, cảng cổ Thanh Hà (Hương Vinh), địa đạo khe Trái (Hương Vân), rú Chá (Hương Phong), 7km bờ biển và 739ha mặt nước đầm phá (Hải Dương, Hương Phong), các hồ chứa nước thủy lợi (Hương Xuân, Hương Hồ, Hương Thọ); hồ thủy điện (Hương Vân, Bình Điền) và nhiều đình, chùa, di tích lịch sử cách mạng, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc khác...

Mới đây, trong chuyến khảo sát phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn thị xã, đại diện Sở Du lịch cùng các đơn vị lữ hành thám sát, tìm hiểu một số điểm du lịch sinh thái đầy tiềm năng chưa được khai phá nơi đây. Ngoài điểm du lịch sinh thái tại khe Đầy (xã Bình Thành), du khách còn được đi thuyền máy trên lòng hồ thủy điện Bình Điền đến khe Lạnh, khe Hung. Nếu khe Lạnh như một dải lụa mềm đầy quyến rũ ẩn trong những dãy núi trùng điệp thì khe Hung có rất nhiều hồ nước trong xanh nằm giữa lưng chừng núi. Điều thuận lợi là các điểm du lịch sinh thái này chỉ cách trung tâm TP. Huế không xa (trên dưới 20km).

tiem nang1
Khe Hung - điểm du lịch sinh thái mới lạ

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, Hương Trà có nhiều tiềm năng đáng lưu ý để phát triển du lịch sinh thái (sông, suối, hồ, đập) nhất là khu vực lòng hồ thủy điện Bình Điền. Đây là một nơi rất đẹp, có thể tổ chức cho các nhóm du khách đến tham quan trong thời gian tới.

Bên cạnh các điểm đã được khảo sát trên, Hương Trà còn hàng chục khe, suối có thể khai thác thành điểm du lịch sinh thái cảnh quan núi rừng, như: thác Ông, thác Mệ (Hương Thọ), khe Tà Vươn, suối Máu (Hồng Tiến). Cùng với đó là các lễ hội dân gian truyền thống, như lễ hội điện Hòn Chén, Cầu ngư, các đình chùa khá nổi tiếng (Huyền Không và Huyền Không Sơn thượng, đình và chùa La Chữ); các làng nghề truyền thống (rèn, chạm, khảm Địa Linh; mộc mỹ nghệ Xước Dũ, trầm mỹ nghệ Thanh Phước). Ngoài ra, vùng đất giáp phía tây TP. Huế này còn mang trong mình nhiều tài nguyên du lịch phi vật thể (phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo) góp phần làm phong phú nguồn tài nguyên nhân văn của thị xã.

Kế hoạch “dài hơi”

Tài nguyên du lịch phong phú là vậy nhưng du lịch Hương Trà nhìn chung mới ở bước phát triển manh mún, tự phát. Cơ sở dịch vụ hiện tại rất ít, tài nguyên du lịch chưa được khai thác để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Nguyễn Thị Thu Hương cho hay: “Nhận thức rõ những hạn chế nêu trên, đồng thời với mong muốn thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” địa phương phát triển, Hương Trà đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, dịch vụ du lịch thị xã giai đoạn 2017 - 2020 và xác định đây là một trong ba chương trình trọng điểm của năm 2017.

Cụ thể, phát triển du lịch theo hướng bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa; chú trọng đầu tư vào các khu, điểm, lĩnh vực du lịch có lợi thế; tập trung phát triển du lịch, dịch vụ du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sự đột phá bước đầu có tính khả thi. Tiếp tục phát huy lợi thế du lịch di tích, du lịch tâm linh; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; du lịch biển và đầm phá; du lịch khe suối, hồ đập thông qua kết nối các tour, tuyến, các điểm du lịch của Hương Trà trong hệ thống các tour, tuyến du lịch của tỉnh...”.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Thị Thu Hương thông tin, trước mắt, thị xã sẽ rà soát những quy hoạch, kế hoạch có tính khả thi, thực tiễn cao để triển khai, như: đưa vào khai thác quản lý bãi biển xã Hải Dương, thúc đẩy đầu tư hạ tầng điểm dịch vụ cồn Tè, quảng bá hình ảnh rú Chá để tạo tuyến du lịch sinh thái ven biển đầm phá; xây dựng trang web du lịch; lắp đặt các pano cổ động trực quan, biển báo chỉ dẫn vào các điểm tham quan. Phối hợp với Sở Du lịch tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp cho nhân dân tại các điểm du lịch, nhất là các điểm du lịch cộng đồng...

LIÊN MINH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Giới thiệu về thị xã Hương Trà

GIỚI THIỆU VỀ HƯƠNG TRÀ Thị xã Hương Trà ở vị trí giữa trung độ của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trong tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; có tuyến quốc lộ 1a và tuyến đường sắt Bắc - nam đi qua với chiều dài 12km, tuyến đường phía Tây thành phố Huế dài 19 km, có Quốc lộ 49a dài 6 km. Hương Trà có 16...

Tin xem nhiều
Phần mềm dùng chung
Thống kê
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay380
  • Tháng hiện tại90,622
  • Tổng lượt truy cập2,188,036
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây