Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Tiếp tục thực hiện nội dung Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 23/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh; và Công điện số 04/PCTT ngày 24/9/2022 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ: tổ chức ứng trực tại cơ quan, đơn vị 24/24h kể từ 17h ngày 26/9/2022; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; căn cứ diễn biến và dự báo bão, chủ động cho học sinh nghỉ học, cấm di chuyển trên đường, đi vào rừng để bảo đảm an toàn; hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch); rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét,…; chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chủ động cho tạm dừng hoạt động tại các cơ sở sản xuất tập trung đông lao động; kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trước và trong khi bão khi bão đổ bộ và mưa lũ,…
3. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó phù hợp.
4. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tàu thuyền, hoạt động thủy sản, hệ thống điện, bảo đảm an toàn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; thực hiện bình ổn giá các lượng thực, vật tư thiết yếu, …
5. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hệ thống hạ tầng thông tin, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong mọi tình huống. Chỉ đạo Trung tâm Điều hành đô thị thông minh sử dụng Hue-S, tổng đài 19001075, tin nhắn SMS phục vụ phòng chống thiên tai.
6. Sở Giao thông vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho hành khách tại các nhà ga, bến cảng khi có bão, lũ; phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trên các tuyến Quốc lộ, cao tốc, các trục giao thông chính.
7. Các Sở: Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa và Thể thao, Du lịch và các đơn vị khác có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão số 4 và mưa lũ do bão, đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn cho học sinh, khách du lịch khi xảy ra bão, lũ.
8. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị đóng trên địa bàn rà soát phương án, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
9. Sở Tài chính, Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh tham mưu bố trí, sử dụng kinh phí phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục theo dõi, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp các ngành để nhân dân biết, chủ động phòng, chống.
11. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức trực ban, nắm chắc tình hình, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các các, địa phương triển khai công tác ứng phó cụ thể sát với diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
12. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan, sẵn sàng thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương khi có yêu cầu./.