Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, Nghị quyết 128/NĐ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT được ban hành hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế xã hội hiện nay.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, sau gần 20 ngày thực hiện vẫn còn một số những lúng túng ban đầu khi thực hiện. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là truyền thông chủ động đi trước, Bộ TT&TT và Bộ Y tế tổ chức Hội thảo nhằm giúp báo chí nắm rõ vấn đề của Nghị quyết 128/NĐ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT; để báo chí tuyên truyền Nghị quyết 128/NĐ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT hiệu quả hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện...
Toàn cảnh Hội thảo
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị, đại diện các cơ quan đơn báo chí cần trao đổi thẳng thắn những vướng mắc, những nội dung quan trọng, đồng thời có các phương án truyền thông tốt hơn và để đóng góp với Bộ Y tế trong việc truyền thông và phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã giới thiệu về các nội dung cần lưu ý khi triển khai Nghị quyết 128/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Nghị quyết 128/NĐ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT được ban hành nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các Bộ, ngành; phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh; tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết, bà Nguyễn Thị Hương Liên nhấn mạnh.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo là Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập các cơ quan báo chí, thông tấn tại điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều có ý kiến góp ý và cho rằng, chính sách sống chung với COVID-19 là rất phù hợp và đến nay đã bắt đầu phát huy tác dụng trong chống dịch và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, cần sớm hoàn thiện thể chế liên quan phòng chống dịch để đảm bảo khoanh vùng nhỏ nhất, theo đỏ, cam, xanh, vàng, các địa phương không tự nâng cấp lên quy mô lớn hơn như huyện, tỉnh. Đồng thời sớm đưa ra các phương án trở lại trường cho các em học sinh…
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tình hình dịch tại các địa phương hiện nay cơ bản được kiểm soát. Tính đến ngày 29/10, Việt Nam đã tiếp cận được trên 107 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã thực hiện tiêm hơn 78 triệu liều. Hiện đã có gần 40% người dân trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch và danh sách trẻ trong đối tượng tiêm. Từ đó, Bộ Ý tế có cơ sở tiếp cận số liệu và phân bổ vaccine một cách hợp lý cho địa phương, để tiêm cho trẻ em.
Đối với vấn đề xét nghiêm, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10 của Bộ Y tế quy định rõ các đối tượng cần phải xét nghiệm, đó là người có nguy cơ cao, người có triệu chứng, xét nghiệm ngẫu nhiên ở cơ sở sản xuất kinh doanh; không xét nghiệm tất cả người đi từ địa bàn này sang địa bàn khác, chỉ xét nghiệm người đi từ địa bàn có nguy cơ dịch cấp độ 3, 4 và khu cách ly.
Tổng Biên tập Báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên phát biểu tại Hội thảo
Do tình hình dịch tại một số địa phương hiện nay và qua đánh giá của Bộ Y tế, người dân từ một số địa phương có dịch khi di chuyển tới các địa phương khác sẽ có nguy cơ cao, những trường hợp này khi đi về các địa phương khác cần phải tiếp tục được sàng lọc. Trong thời gian tới, để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch, Chính phủ sẽ giao cho Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành giám sát việc thực hiện Nghị quyết 128/NĐ-CP của các địa phương, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh thêm./.
Nguồn tin: www.mic.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
TUẦN LỄ FESTIVAL HUẾ 2022