Theo đó, đánh giá sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 15/11/2011 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về việc xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các sự kiện, lễ hội được tổ chức đa dạng; hình thành những sản phẩm du lịch mới, điểm đến hấp dẫn. Quần thể Di tích Cố đô Huế, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được phục hồi, gìn giữ, tôn tạo, đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và từng bước phát huy giá trị. Hệ thống thiết chế văn hóa, du lịch được quan tâm đầu tư. Hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch được đầu tư, nâng cấp. Cảnh quan, môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch được chú trọng. Hoạt động giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế về văn hóa; xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường, góp phần nâng cao vị thế của Thừa Thiên Huế đối với trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Nhiệm vụ xây dựng thành phố Huế thành thành phố Festival chưa được tập trung thực hiện. Đầu tư cho văn hóa và du lịch chưa tương xứng, chưa tạo động lực tăng trưởng mới. Hạ tầng hỗ trợ du lịch vẫn còn hạn chế. Chưa thu hút các doanh nghiệp du lịch lớn, có thương hiệu đầu tư vào địa bàn. Còn thiếu sản phẩm du lịch chất lượng cao. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa mang lại hiệu quả cao. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết còn thiếu đồng bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển văn hóa, du lịch chưa đáp ứng yêu cầu.
Để xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch trong giai đoạn mới, Nghị quyết đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố Du lịch sạch ASEAN, Thành phố bền vững môi trường ASEAN và đạt danh hiệu Thành phố sáng tạo về văn hóa. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á; là tiền đề để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, thành phố Festival của châu Á vào năm 2045.
Nghị quyết cũng đặt ra các nhóm giải pháp để thực hiện, đó là: Xây dựng hệ giá trị, phát triển văn hóa Huế, con người Huế mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa; Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố lễ hội của Đông Nam Á; Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa; Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hoá lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa; Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển du lịch, ưu tiên hạ tầng phát triển du lịch thông minh và bền vững; Xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực thương hiệu Huế; Tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch; Phát triển công nghiệp văn hóa; Tăng cường sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng để đẩy mạnh phát triển du lịch; liên kết trong phát triển văn hóa, du lịch; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng, phát triển văn hóa, du lịch.
Nguồn tin: svhtt.thuathienhue.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
TUẦN LỄ FESTIVAL HUẾ 2022