Hội nghị báo cáo sơ bộ Kết quả thăm dò, khai quật tháp đôi Liễu Cốc
Thứ sáu - 28/06/2024 14:53
Ngày 27 tháng 6 năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và UBND thị xã Hương Trà tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ Kết quả thăm dò, khai quật tháp đôi Liễu Cốc.
Nằm cách trung tâm thành phố Huế 11km về phía Bắc, thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, Tháp đôi Liễu Cốc là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của người Chăm. Năm 1994, di tích này được Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ký quyết định xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia (Quyết định số 921/QĐ/BT ngày 20/7/1994).Thực hiện Quyết định số 898/QĐ-BVHTTDL ngày 02/04/2024 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, từ cuối tháng 04 đến đầu tháng 06/2024, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành thăm dò và khai quật tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc. Kết quả thăm dò, khai quật 80m2 tại khu di tích đã làm rõ một phần bình đồ kiến trúc tổng thể đền tháp Liễu Cốc với những đặc trưng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, bia ký… thể hiện rõ nét đây là công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng của người Chăm, niên đại xây dựng vào khoảng cuối thế IX và đã được người Việt kế thừa thờ cúng cho đến ngày nay. Qua đợt khai quật, đã phát hiện hàng nghìn di vật, tiêu biểu trong đó là 50 mảnh xác định được trang trí hình đầu bò, trong đó có 2 hiện vật nguyên dáng, 11 mảng đầu bò, 2 mảnh miệng/mũi bò, 22 mảnh bờm và 13 mảnh chốt; 04 tiêu bản, gồm 01 đầu tượng Phật và 04 mảnh bia ký; Đầu tượng có dạng phù điêu, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím, thể hiện đầu tượng Phật (niên đại thế kỷ X - XI); có 3 mảnh mặt bia, khắc chìm chữ Phạn cổ (hoặc chữ Chăm cổ), 01 mảnh cạnh bên; đồ gốm được tìm thấy với nhiều loại hình, chất liệu, như: gốm thô (03 mảnh), đồ đất nung (80 mảnh), đồ sành (437 mảnh, trong đó có những 03 chiếc bình vôi của lò gốm Phước Tích, thế kỷ XVI - XVIII còn tương đối nguyên vẹn); đồ gốm men Việt Nam (153 mảnh, niên đại kéo dài từ thế kỷ XIV - XIX), đồ sứ Trung Quốc (thế kỷ X - XIX) cùng nhiều vật liệu trang trí có giá trị.Tại Hội nghị, các cơ quan, đơn vị và các nhà nghiên cứu đã đánh giá cao kết quả thăm dò, quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc, xem đây là cơ sở khoa học quan trọng để nhận diện chân xác giá trị lịch sử văn hóa của di tích và cả vùng đất Hương Trà nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung. Và đóng góp một số ý kiến đề xuất để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích ngàn năm tuổi này.